CÁCH LÀM NỘM SỨA GIẢI NHIỆT MÙA HÈ – Nước mắm – Nước mắm ngon – Nước mắm nguyên chất

Rate this post

Hướng dẫn cách làm nộm sứa chua ngọt cực kỳ hấp dẫn cho các buổi tụ họp của gia đình. Tham khảo ngay để nâng cao tay nghề nấu ăn và khiến mọi người frifam trồ về tài bếp núc của bạn nào.

Cách làm nộm sứa

Món nộm sứa dần trở nên quen thuộc trên các bàn tiệc và dần chinh phục được lòng nhiều người. Nộm sứa được trộn đúng cách sẽ cực kì hấp dẫn, sứa giòn sần sật hòa quyện cùng rau củ tươi ngon, thêm vị chua ngọt của nước mắm sẽ khiến bạn đê mê nơi đầu lưỡi và không thể ngưng đũa. Để hoàn thiện món nộm sứa này một cách tuyệt hảo nhất, hãy tham khảo các bước dưới đây

Chuẩn bị nguyên liệu

– Sứa: 500gr. Đối với sữa, bạn nên chọn sứa tươi mới đánh bắt. Nhưng nếu không tìm được sứa tươi thì bạn có thể tìm mua loại sứa đông lạnh ở chợ hay siêu thị.

– Lạc: 50gr

– Vừng trắng: 20gr

– Rau củ trộn nộm: 1 quả cà rốt, 1 quả dưa chuột (hoặc hoa chuối, xoài xanh), nửa củ hành tây và một ít giá đỗ. Tùy vào sở thích của bạn mà có thể thêm bớt một vài loại rau củ nào đó nhé, có người còn thêm cả xoài giòn vào nộm.

– Rau thơm: Húng quế, rau mùi, rau ngò, rau kinh giới sẽ tạo nên hương vị đặc trưng của nộm sứa.

– Hành tây: 1 củ

– Lá chanh, sả, chanh

– 2 thìa nước lọc, 2 thìa dấm, 1 thìa cốt chanh,  1 thìa đường, 1,5 thìa dầu ăn, 1 thìa muối, 1 thìa mắm Chin-Su (nên sử dụng nước mắm Chin-Su để sứa có độ mặn vừa phải, tránh làm át vị của những nguyên liệu khác)

Đây là khẩu phần ăn cho 2 – 3 người. Nếu bạn muốn chuẩn bị nhiều người ăn hơn hoặc ít hơn thì chia lại gia vị theo tỷ lệ trên cho phù hợp nhé. Tương tự, bạn có thể tùy vào khẩu vị của gia đình mình mà điều chỉnh lượng gia vị trộn nộm cho phù hợp

Sơ chế nguyên liệu:

Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu theo hướng dẫn trên, bạn tiến hành sơ chế nguyên liệu như sau:

Sơ chế Sứa: Để tránh việc các chất độc hại từ xúc tu của sứa gây ngứa, rát khi ăn, bạn cần rửa sạch sứa với chanh, giấm và muối để loại bớt chất độc. Để cho ráo nước rồi trụng sứa qua nước sôi pha ít gừng khoảng 5 đến 10 phút để hạn chế mùi tanh. Một mẹo nhỏ cho bạn là sau khi chần qua nước sôi để chín, bạn có thể cho sứa vào ngâm trong một bát nước đá. Thao tác này giúp sứa giữ được độ giòn dai, tươi ngon. Sau đó, bạn cần vắt kiệt phần sứa cho ráo nước rồi thái phần thịt sứa thành các miếng nhỏ vừa ăn.

Lưu ý rằng sứa cần được rửa thật sạch trước khi trụng, vì sứa sống dưới biển nên lượng muối bám vào rất lớn, việc rửa sạch giúp sứa bớt được độ mặn nguyên bản, bạn cũng có thể dễ dàng điều chỉnh vị món nộm theo ý mình muốn hơn.

Vừng: Rang vừng đến khi chín vàng, có mùi thơm. Khi rang vừng, bạn cần để lửa nhỏ và đảo vừng liên tục cũng như chú ý sự chuyển đổi màu sắc của vừng để tránh bị cháy.

Lạc: Tương tự vừng, bạn rang trên lửa nhỏ cho đến khi vỏ ngoài vàng đều và ngửi thấy mùi thơm của lạc rang. Sau đó lấy lạc ra để nguội, dùng tay chà cho lớp vỏ bên ngoài tróc hết ra. Giã đậu cho nhỏ tương đối, đừng làm nát đậu quá.

Hoa chuối: Bóc hết lớp vỏ bên ngoài hoa chuối rồi thái mỏng thành những sợi nhỏ. Bạn có thể ngâm hoa chuối vào nước gạo cùng với muối và chút dấm để hoa chuối được trắng hơn. Sau khi ngâm được một lúc, bạn vớt hoa chuối ra, rửa lại thật sạch và vắt khô.

Dưa chuột: Trước khi chế biến dưa chuột, bạn cần ngâm sơ qua với nước muối, sau đó bỏ hai đầu rồi bắt đầu nạo vỏ, bỏ ruột và thái lát mỏng. Hạn chế để dưa chuột đã thái quá lâu trước khi trộn nộm vì như thế dưa sẽ ra nước, làm mất độ giòn của món gỏi).

Xoài và đu đủ: Nếu dùng đu đủ hay xoài xanh thì bạn chỉ cần rửa sạch, bóp ít muối cho bớt chua, hăng rồi thái thành sợi nhỏ bằng dao bào.

Cà rốt, hành tây: Với cà rốt, bạn gọt sạch vỏ rồi nạo sợi. Hành tây cũng làm sạch nhưng không băm nhuyễn mà bổ múi cau mỏng thành từng sợi. Để hành tây không bị đắng, bạn lưu ý không thái hành tây trước khi trộn nộm quá lâu. Sau đó, bạn ngâm hai phần nguyên liệu này vào với dấm ăn trong 10 phút rồi vớt ra để ráo.

Giá đỗ: Rửa sạch giá đỗ rồi ngâm qua nước muối loãng. sau đó vớt ra để ráo nước.

Các loại rau thơm: Rửa rau qua nước, nhặt lấy phần non, ngâm trong nước muối loãng 15 – 20 phút để loại bỏ chất bẩn. Sau đó, bạn vớt rau ra và thái nhỏ. Nhớ nhẹ tay vì rau thơm rất dễ bị bầm khi rửa.

Tỏi: bóc vỏ, băm nhỏ.

Ớt:  Thái nhỏ ớt (nhớ bỏ hạt ớt vì ăn nhiều hạt ớt không tốt cho sức khỏe của bạn).

Chanh: Vắt lấy nước chanh và nhớ bỏ hạt

Lá chanh: Rửa sạch, thái nhỏ rồi giã cho dập

Sả: Rửa sạch, thái mỏng thành từng khoang

Chế biến:

Khâu chế biến nộm sứa khá đơn giản, bao gồm 2 bước chính:

Pha nước trộn nộm:

Giống như những món nộm khác, việc đĩa nộm của chúng ta có thành công và hấp dẫn hay không phụ thuộc rất lớn vào nước chấm. Nước chấm trộn nộm trong trường hợp này là nước chấm chua ngọt. Bạn cho sả, lá chanh giã nhỏ, nước lọc, dấm, cốt chanh, đường, dầu ăn, muối, mắm Chin-Su vào một chén nước sạch. Khuấy tan rồi cho ớt đã thái nhỏ vào. Tùy theo khẩu vị mà bạn có thể điều chỉnh liều lượng gia vị, lưu ý đừng cho quá nhiều ớt vào nếu không ăn cay được nhé.

Trộn nộm:

Đến bước trộn nộm sứa. Trước tiên, bạn cho phần sứa đã sơ chế vào trong một chiếc tô lớn rồi lần lượt cho  cà rốt, hành tây, hoa chuối, xoài, dưa chuột, đu đủ và giá đỗ vào. Tiếp đến, bạn đổ từ từ nước trộn vào rồi trộn đều từ từ, đừng đảo tay nhanh quá vì như thế các nguyên liệu sẽ nhanh tiết nước, mất độ giòn của sứa.

Hoàn thiện:

Sau khi trộn xong, bạn nêm nếm lại gia vị lần nữa rồi bày biện ra dĩa. Cho rau thơm đã băm nhỏ và lạc vừng lên nộm. Vậy là đã xong món nộm sứa ngon lành. Lưu ý là món nộm ngon nhất khi được ăn ngay lúc hoàn thành xong. Nếu để lâu, các nguyên liệu sẽ ra nước rất nhiều.

Món nộm sứa là một trong những lựa chọn hoàn hảo cho mùa hè bởi độ thanh mát và khâu chế biến đơn giản, chỉ cần thận trọng trong khâu làm sạch để đảm bảo sứa không gây dị ứng là được. Nếu rảnh tay, ngại gì mà không thử ngay để chiêu đãi gia đình một món ăn siêu thú vị nào! Chúc các bạn ngon miệng!