Ngày giỗ của người thân đã mất, chúng con nên làm gì?

Rate this post

Hỏi: Kính bạch Thầy “Ngày giỗ của người thân đã mất, chúng con nên làm gì để người mất được lợi ích?”

Ngày giỗ tốt nhất là chúng ta gắng làm phước gì đó hồi hướng cho người đó và sống cho tốt.

Ngày giỗ tốt nhất là chúng ta gắng làm phước gì đó hồi hướng cho người đó và sống cho tốt.

Đáp: Thầy xin chia sẻ vài điều. Người thân ở đây có thể là cha mẹ mình, có thể là ông bà mình, có thể là cửu huyền thất tổ, có thể là những người nhỏ hơn mình. Có những trường hợp là người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Trong cuộc sống này ái biệt ly khổ lắm. Chia tay người thân là một nỗi khổ, mà càng thương người đó nhiều càng khổ. Một khi người đó mất rồi thì khó giúp lắm. Mất rồi thì Đức Phật vẫn dạy cho những cách để giúp nhưng tốt nhất vẫn là giúp khi người đó còn sống.

Ở Việt Nam mình, ngày đám giỗ rất là hay. Thầy khuyến khích quý vị nên tổ chức những ngày đám giỗ ông bà mình, người thân của mình. Tại sao? Ví dụ như người mất đó là cha mẹ mình hoặc ông bà mình. Ngày đám giỗ là ngày để mình có cơ hội biết ơn, báo ơn. Tại sao mình ngồi ở đây? Không có cha mẹ là không có mình. Cha mẹ, ông bà mình đã mất, ngày đám giỗ để nhắc mình nhớ ơn, thực tập hạnh biết ơn. Biết ơn cha mẹ thì phải làm gì? Biết ơn cha mẹ không phải chỉ học thuộc lời dạy của cha mẹ, mà là áp dụng những gì cha mẹ dạy vào cuộc sống của mình. Cho nên đời sống của mình cho tốt là quý vị trả ơn cho cha mẹ. Thật ra là quý vị sống cho tốt cũng là cách quý vị báo hiếu cha mẹ luôn. Vì cha mẹ mình sinh ra mình, mình là tiếp nối của cha mẹ mình. Mình sống cho tốt, làm lợi ích cho nhiều người thì cha mẹ mình cũng được cái phước đó. Báo hiếu cho cha mẹ cách tốt nhất là mình phải sống cho tốt. Cho nên ngày giỗ là ngày nhắc mình nhớ ơn cha mẹ. Chính là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Tuy nhiên, có nhiều người không hiểu điều này. Ngày giỗ là ngày thay vì phải biết ơn, làm điều tốt mà mình lại tập trung ăn nhậu. Chưa nói đến hệ lụy của việc ăn nhậu, nhiều khi tập trung ăn nhậu còn sát sanh nữa. Những việc này tạo tội thêm. Nếu làm cỗ, mâm cúng, Thầy khuyến khích lúc đó nên cúng chay, hoặc là cúng đồ chết chứ đừng nên sát sanh thêm tội. Tốt nhất là trong ngày giỗ đó, các con các cháu những người thân nên làm một hoặc vài điều phước nào đó hồi hướng cho người mất. Ngày đó mình có thể vô chùa tụng kinh, cúng dường bông trái hoặc ai có khả năng thì cúng trai tăng, trai phạn hoặc cúng dường tam bảo cho có phước. Đem phước đó hồi hướng cho người thân ngày giỗ. Còn không thì ngày đó đi làm từ thiện, hoặc tại nhà mình có thể tụng kinh lạy Phật hay là bố thí; rồi đem phước đó hồi hướng cho người thân của mình đã mất là cách tốt nhất. Còn chuyện ngồi lại mà ăn uống cũng tốt, nhưng làm sao đừng nhậu nhẹt tổn phước và phung phí quá. Việc ngồi lại là để nhắc nhở anh em còn gặp nhau. Nhiều khi cha mẹ còn thì anh em còn tới lui. Có khi cha mẹ mất rồi, anh em không còn gặp nhau nữa. Những ngày giỗ là để anh em có cơ hội gặp nhau và cùng học gương của người cha người mẹ.

Ngày giỗ tốt nhất là chúng ta gắng làm phước gì đó hồi hướng cho người đó và sống cho tốt. Do vậy ngày giỗ là ngày biểu hiện của lòng biết ơn và đừng để có những hệ lụy như ở trên Thầy nói thì không hay.

Thầy Thiện Tuệ trả lời vấn đáp