Súng dùng sát hại cựu Thủ tướng Abe ‘dễ chế tạo bằng vật liệu có sẵn’

Rate this post

Các chuyên gia vũ khí cho biết khẩu súng tự chế được sử dụng sát hại cựu Thủ tướng Shinzo Abe có thể được chế tạo dễ dàng bằng các nguyên liệu mua ở cửa hàng kim khí hay chợ mạng.

Theo Japan Times, dù còn ít thông tin về khẩu súng hai nòng mà nghi phạm Tetsuya Yamagami dùng sát hại ông Abe, các chuyên gia chỉ ra nó được làm từ các vật liệu có thể mua dễ dàng ở cửa hàng kim khí hay chợ mạng, bao gồm gỗ để làm khung, ống kim loại dùng làm nòng, băng dính, pin và hệ thống dây điện.

“Tất cả đều có sẵn. Vũ khí và đạn dược thô sơ, có cấu tạo tương đối đơn giản. Yamagami có lẽ đã chọn vũ khí hai nòng vì nó dễ cất giấu trong túi anh ta mang theo và có lẽ vì anh ta cảm thấy nó hiệu quả hơn”, Matthew Moss, một nhà sử học và chuyên gia vũ khí nhỏ có trụ sở tại Anh, cho biết.

Theo cảnh sát, khẩu súng có hai nòng bằng kim loại được cố định trên báng súng bằng gỗ quấn băng keo đen, kích thước 40 x 20 cm.

Cận cảnh khẩu súng nghi phạm Tetsuya Yamagami dùng sát hại ông Shinzo Abe hôm 8/7. Ảnh: Kyodo

Cận cảnh khẩu súng nghi phạm Tetsuya Yamagami dùng sát hại ông Shinzo Abe hôm 8/7. Ảnh: Kyodo

Yamagami đã có ba năm phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Biển từ năm 2002 đến 2005. Trong thời gian này, anh ta tham gia các bài tập bắn đạn thật, được huấn luyện cách xử lý vũ khí. Tuy nhiên, Moss lưu ý điều đó không có nghĩa anh ta đã học được các kỹ năng chế tạo vũ khí được sử dụng trong vụ ám sát.

Các nhà phân tích cho rằng hệ thống dây điện và pin được lắp bên dưới nòng súng tự chế củaYamagami có thể sử dụng cơ chế bắn điện có khả năng bắn độc lập từng nòng. Một dấu hiệu khác cho thấy suy đoán này là đúng vì nghi phạm đã bắn hai phát đạn riêng biệt – mỗi nòng một phát.

Những đám khói trắng lớn nhìn thấy sau mỗi lần bắn chỉ ra rằng loại thuốc súng Yamagami sử dụng không phải là “bột thuốc nổ không khói” (smokeless powder) điển hình được sử dụng trong các loại súng thương mại. Đó là một thứ gì đó giống với bột thuốc nổ đen (black powder) – thứ có thể được mua bán dễ dàng hoặc thậm chí tự chế nếu có kiến thức hóa học, theo Amael Kotlarski – biên tập viên của Jane’s Infantry Weapons.

“Đây chỉ là kiến thức kỹ thuật cơ bản kết hợp của bộ môn vật lý và hóa học. Bất kỳ người có đầu óc nào với khả năng nghiên cứu và kỹ thuật cũng có thể làm ra những thứ này. Hơn nữa, các cộng đồng bàn về vũ khí thường công bố công khai thông số kỹ thuật cho các thiết kế sử dụng cơ chế bắn điện. Tất cả đều bày ra trước mặt”, Amael Kotlarski nói.

Hình ảnh từ một video được đăng lên mạng xã hội cho thấy khoảnh khắc Tetsuya Yamagami bắn phát súng đầu tiên vào cựu Thủ tướng Shinzo Abe khi ông phát biểu tại thành phố Nara hôm 8/7. Ảnh: Reuters

Hình ảnh từ một video được đăng lên mạng xã hội cho thấy khoảnh khắc Tetsuya Yamagami bắn phát súng đầu tiên vào cựu Thủ tướng Shinzo Abe khi ông phát biểu tại thành phố Nara hôm 8/7. Ảnh: Reuters

Dựa trên đánh giá về đặc điểm vật lý của vũ khí và vết thương do bị trúng đạn, N. R. Jenzen-Jones, giám đốc của Dịch vụ Nghiên cứu Vũ khí – một công ty tư vấn chuyên về phân tích vũ khí và đạn dược cho hay những loại súng thô sơ nhưng gây chết người được sản xuất thủ công như thế này rất đơn giản. Hình ảnh của súng cho thấy một dây dẫn điện đi qua nắp ở cuối mỗi ống. Điều đó chỉ ra việc sử dụng cơ chế bắn điện.

Jenzen-Jones cho rằng phương pháp kích điện có thể được lựa chọn trong trường hợp này vì ở Nhật Bản khó mua đạn thông thường hơn nhiều so với những nước khác. “Đạn thông thường được kiểm soát chặt chẽ ở Nhật Bản. Do đó, kẻ tấn công có khả năng buộc phải dùng đến loại vũ khí có thể bắn ra một loại đạn tự chế”.

Tetsuya Yamagami bị bắt ngay tại hiện trường sau khi nổ súng tấn công cựu Thủ tướng Shinzo Abe hôm 8/7. Phát súng đầu tiên bị bắn trượt, phát thứ hai trúng tim và cổ khiến ông gục ngã giữa phố Nara. Với thiết kế thô sơ và đặc điểm bắn của vũ khí, các chuyên gia không hoàn toàn ngạc nhiên khi kẻ tấn công bắn trượt phát đầu tiên, được bắn từ khoảng cách ít nhất 6 m.

Khai với cảnh sát, nghi phạm cho biết mỗi nòng súng được thiết kế để bắn 6 viên đạn cùng lúc. “Tôi đã mua thuốc súng trên mạng, lấy vỏ đạn rỗng và tự mình lấp đầy chúng”, Yamagami khai. Nghi phạm cũng nói rằng đầu tiên anh ta cố gắng tạo ra một quả bom, nhưng không thành công, vì vậy quyết định chuyển sang chế tạo súng. Nghi phạm đã xem rất nhiều video trên YouTube để học cách chế tạo súng.

Tetsuya Yamagami bị cảnh sát bắt tại hiện trường với khẩu súng tự chế trên tay. Ảnh: Mainichi

Tetsuya Yamagami bị cảnh sát bắt tại hiện trường với khẩu súng tự chế trên tay. Ảnh: Mainichi

Yamagami đã bị áp giải đến gặp công tố viên hôm 10/7 với cáo buộc giết người. Trong quá trình điều tra, Yamagami khai rằng động cơ chính khiến hắn ám sát cựu Thủ tướng Abe vì tin rằng ông có liên quan đến một tổ chức tôn giáo mà mẹ mình là thành viên. Yamagami nói mẹ từng quyên góp những “khoản tiền khổng lồ” cho tổ chức này, dẫn đến phá sản.

Theo Japan Times, luật kiểm soát súng chặt chẽ của Nhật Bản có thể được coi là thành công trong việc hạn chế số người chết và bị thương liên quan đến các loại vũ khí này. Tuy nhiên, Yamagami đã vượt qua những hạn chế đó bằng cách sản xuất một loại vũ khí tự chế. Việc Yamagami chế tạo súng bằng các vật liệu có thể mua dễ dàng trên chợ mạng nhưng có tính sát thương cao cho thấy việc không thể loại bỏ bạo lực súng đạn ở Nhật Bản chỉ thông qua các hạn chế về vũ khí.

“Khi một sự cố lớn như vậy xảy ra, mọi người có thể bị ảnh hưởng bởi những gì họ nghe thấy trên các phương tiện truyền thông. Thậm chí có những người có thể cố gắng bắt chước kẻ tấn công, chế tạo vũ khí tự chế của riêng mình”, Mitsuru Fukuda của Đại học Nihon, một chuyên gia về khủng bố và bạo lực liên quan đến súng, nhận xét.

Sơn Nam (Theo Japan Times)