Về miền đất của những chiếc trống “khủng”

Rate this post

 

Huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình có hai giáo xứ là Bồng Tiên và Hoàng Xá xưa nay nức danh với truyền thống hoạt động của các ban trống xứ đạo. Cả hai họ đạo này còn được biết đến là nơi sở hữu những trống sấm lớn kỷ lục. Ðây có thể là một trong những quả trống lớn nhất Ðông Nam Á.

 

Chiếc trống của họ đạo Hoàng Xá được hoàn thành đầu năm 2009 đã ngay lập tức giữ kỷ lục là trống sấm lớn nhất Việt Nam. Ba năm sau, kỷ lục này thuộc về họ đạo Bồng Tiên. Hiện nay cả hai chiếc trống sấm nổi tiếng vẫn thường hiện diện, “cất tiếng” vang vọng khắp làng quê mỗi khi hai xứ có lễ lớn. Bồng Tiên và Hoàng Xá chỉ nằm cách nhau vài cây số. Hoàng Xá từng là họ lẻ của Bồng Tiên và chỉ chính thức tách ra thành giáo xứ từ năm 2006. Có lẽ vì vậy, sự gắn bó với chiếc trống đã thành sợi dây truyền thống được nối tiếp.

 

Lùng da trâu, gỗ mít

Có dịp về vào mùa lễ hội, khách mới thấy hết được không khí náo nức, rộn ràng của miền này. Giữa những màn biểu diễn của đội trống hùng hậu mà thành viên chính là những giáo dân xóm đạo, thì sự hiện hữu của chiếc trống sấm kích thước khổng lồ thực sự gây nhiều ấn tượng. Lai lịch cả hai chiếc trống “khủng” của hai họ đạo “quê lúa” cũng có những chuyện ly kỳ, hấp dẫn không kém vẻ bề ngoài.

Chiếc trống tại Hoàng Xá được nghệ nhân làm trống trứ danh khắp nước là ông Phạm Công Nghị ở Ðọi Tam (Duy Tiên, Hà Nam) thực hiện. Theo người Hoàng Xá, ý tưởng này đến từ những thành viên hội trống của giáo xứ. Sau khi “chọn mặt gởi vàng” với mong muốn thực hiện nhanh để mừng Giáng Sinh và năm mới, đơn đặt hàng đặc biệt đã được gởi đi. Anh em đội đánh trống làng đạo Hoàng Xá trình bày mong muốn với lão nghệ nhân thì vấp phải khó khăn về vật liệu. Bởi để làm được mặt trống lớn như thế đòi hỏi phải có miếng da trâu đủ lớn cũng như một khối lượng gỗ mít cần thiết. Liên hệ gần chục nhà máy thuộc da khắp cả nước, bà con làng Hoàng Xá đều nhận được câu trả lời: Không có! Cuối cùng, tìm kiếm mãi họ mới bắt mối được với lái trâu, rồi lặn lội sang tận Lào và Trung Quốc mất bao công sức, người Hoàng Xá mới có được hai bộ da trâu như ý nghệ nhân.

Có được da trâu lại lo tìm gỗ mít. Bởi vì xưa nay tang trống chỉ có thể làm bằng gỗ mít thì trống vang mới to và có tiếng như sấm. May thay, khi nghe làng làm trống lớn, nhiều người ở họ đạo Hoàng Xá đã tự nguyện đốn cây, đem đến hơn hai mươi cây mít lớn từ sân nhà mình. Người ta cũng phải sang cả các làng khác mua đem về thêm chục cây. Từ số gỗ mít này, người thợ xẻ làm 102 thanh tang, mỗi thanh có độ dày 3,3 cm.

Trống sấm xứ Bồng Tên phải keo thang mới đánh được – ảnh: giaophanthaibinh.org

 

Ðến nay, nhiều người địa phương vẫn còn nhớ như in tối 2.10.2008, ngoài nghệ nhân Nghị còn có hơn chục người thợ khác khoanh đám đất rộng giữa làng nổi lửa hành lễ làm trống. Sau ba tháng, chiếc trống hoàn thành với những con số kỷ lục: chiều cao 2,63m; đường kính bề mặt là 2,17m; độ dày của lớp da mặt trống là 1cm; bọng trống 3,4m; độ dài của vòng tang trống 11m; trọng lượng trống hơn 1.000 kg… Ðể hoàn thành chiếc trống, đội trống Hoàng Xá đã phải sử dụng 31 cây mít, 3 cây xà cừ tía (ước tính khoảng 6m3 gỗ), 9kg đinh vít, 15kg sơn, miệt mài trong 3 tháng trời. Chiếc trống to vậy nên muốn leo lên đánh, họ phải thiết kế một cầu thang xoáy trôn ốc và phải dùng dùi dài đến 1m. Ngày căng mặt trống thì phải bắt giàn giáo như xây nhà và cần sự hỗ trợ của vài chục thanh niên to khỏe trong làng. Anh Trần Văn Nho, trưởng đội kèn đồng hương Hoàng Xá miền Nam tự hào cho biết: “Ở vùng nông thôn này, âm vang của tiếng trống có thể vọng đi trong vòng bán kính 4-5 cây số”.

 

Sấm bên tai

Cái sau lớn hơn cái trước, quả trống sấm Bồng Tiên đã giành kỷ lục với những thông số suýt soát. Kích thước cụ thể sau khi hoàn thành là: mặt da trống 2,53m; chiều cao 2,83m; đường kính 3,35m; đường vanh 10,519m. Trống được làm bằng gỗ mít nguyên chất và da của hai con trâu đực to. Tổng khối lượng gỗ mít thu gom là 4m3 để tách lọc thành 1,5m3 làm nên quả trống. Trống do ông Giuse Trần Văn Nghê, giáo dân xứ Bồng Tiên xẻ gỗ làm tang và được nhóm thợ chuyên nghiệp làng trống Ðọi Tam đến từ tỉnh Hà Nam phụ trách bưng (bước cuối cùng của làm trống) bằng da trâu Tây Nguyên. Quá trình làm bắt đầu từ giữa năm 2012. Quả trống sấm lớn này khi “cất giọng” âm thanh vang lên khiến người ta có cảm tưởng như sấm đánh bên tai. Vào ngày lễ quan thầy giáo xứ năm đó, quả trống sấm khổng lồ đã “ra mắt” trong sự trầm trồ của bao người đến tham dự thánh lễ.

Hoàng Xá một ngày lễ

 

Ðội trống xứ Bồng Tiên được thành lập từ hơn nửa thế kỷ, hiện có hơn 70 thành viên. Ðội trống này cũng sở hữu một dàn trống đầy đủ gồm có 30 quả với các kích cỡ lớn, vừa, nhỏ khác nhau và 25 đôi chũm chọe (não bạt). Ðội trống giáo xứ đang phục vụ rất hiệu quả cho các công việc mục vụ của giáo họ, giáo xứ, các lễ trọng của giáo phận Thái Bình. Ðược biết, cùng thời điểm làm trống, giáo xứ Bồng Tiên đặt hàng đúc chiếc chiêng “ngoại cỡ” với trọng lượng 104kg và đường kính 1,52m để song hành với quả trống sấm. Thường, màn biểu diễn trống trong các ngày lễ ở Bồng Tiên, sau ba hồi chín tiếng của quả “trống sấm” và chiêng lớn vang lên, tất cả giàn trống con sẽ cùng hòa nhịp. Ai từng được nghe sẽ tưởng chừng như bầu trời vang tiếng sấm ầm ầm và chuyển động như báo hiệu những trận mưa giông lớn.

Chính sự đồng lòng đã giúp các phong trào trống cũng như kèn ở những xứ đạo như Bồng Tiên, Hoàng Xá trở nên lớn mạnh. Niềm tự hào về truyền thống quê nhà cũng vì thế luôn theo chân những người con xa quê. Ðể rồi chính họ, dù ở lại quê nhà hay khi rời quê lập nghiệp vẫn lưu nhớ việc xây dựng và tổ chức các đoàn hội, bảo tồn, gìn giữ những đội trống, đội kèn nhà đạo phục vụ Giáo hội.

Cả hai chiếc trống sấm đều khổng lồ nhưng có lẽ chúng sẽ không thể được hoàn thành nếu không có những hy sinh và niềm đam mê của các thành viên ban trống, cũng như tấm lòng quảng đại của cộng đoàn giáo xứ ở cả hai họ đạo miền Thái Bình.

 

Nguyễn Hà

Với mục đích để Lời Chúa được loan truyền và thông tin Giáo hội được lan tỏa, tòa soạn sẵn lòng để các tổ chức và cá nhân sử dụng lại tin bài đã đăng trên báo giấy và báo mạng cgvdt.vn của mình.

Tuy nhiên, vì đức công bằng và sự bác ái, xin quý vị vui lòng ghi đầy đủ nguồn như sau: “Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”.

Ngoài ra, nếu chia sẻ bài lên mạng xã hội (Facebook, Twitter…), đề nghị dùng đường dẫn gốc trên website của Công giáo và Dân tộc.